Khi dùng thẻ tín dụng mà muốn biết chi tiết các khoản chi tiêu trong tháng thì người dùng phải làm cách gì? Câu hỏi sẽ trở nên đơn giản khi người dùng biết cách đọc bảng sao kê thẻ tín dụng. Cùng giải đáp chi tiết các thông tin về bảng sao kê thẻ tín dụng là gì trong bài viết dưới đây.
Sao kê thẻ tín dụng là gì?
Sao kê là hành động thống kê, ghi chép lại các khoản giao dịch, thanh toán một cách chi tiết, chính xác. Như vậy, sao kê thẻ tín dụng sẽ được hiểu là việc tổng hợp các khoản chi tiêu, các giao dịch của người dùng trong một chu kỳ thanh toán.
Ngân hàng sẽ thực hiện việc sao kê thẻ tín dụng của khách hàng và tổng hợp lại trong một bảng tóm tắt gọi là bảng sao kê. Bảng sao kê này sẽ cho khách hàng biết chi tiết các khoản chi tiêu, dư nợ cũng như số tiền mình cần thanh toán với ngân hàng sau mỗi một kỳ. Cụ thể, bảng sao kê sẽ gồm các thông tin về:
- Tổng quan tài khoản: Ngày lập bảng sao kê, ngày đến hạn cần thanh toán, dư nợ tháng trước, dư nợ cuối kỳ, số tiền thanh toán tối thiểu.
- Thông tin tài khoản: Ngày giao dịch, ngày hệ thống ghi nhận giao dịch, chi tiết giao dịch, số tiền giao dịch, tiền lãi.

Cách kiểm tra sao kê thẻ tín dụng
Việc sao kê thẻ tín dụng sẽ được ngân hàng, tổ chức phát hành thẻ tự động thực hiện giúp khách hàng. Chính vì thế, người dùng chỉ cần biết cách đọc bảng sao kê thẻ tín dụng đã được ngân hàng, tổ chức thống kê. Bảng sao kê sẽ được gửi tự động đến người dùng vào cuối mỗi chu kỳ thanh toán, tức là 15 ngày trước khi đến hạn thanh toán.
Người dùng có thể kiểm tra bảng sao kê thẻ tín dụng qua hai hình thức là email hoặc trên ứng dụng của ngân hàng phát hành thẻ. Ngân hàng sẽ gửi bảng sao kê thông qua địa chỉ email mà khách hàng đã đăng ký khi tiến hành lập thẻ. Nếu không xem qua email, người dùng có thể đăng nhập tài khoản ngân hàng đã đăng ký trên ứng dụng trực tuyến và chọn tính năng sao kê để kiểm tra.
Kiểm tra bảng sao kê sau mỗi chu kỳ thanh toán là vô cùng cần thiết để đảm bảo rằng không có giao dịch nào bị ghi nhận sai thông tin cũng như không có vấn đề nào phát sinh. Chính vì thế, người dùng cần hiểu rõ các thông tin trong bảng sao kê thẻ tín dụng là gì và các lưu ý trong bảng sao kê đó.

Hướng dẫn cách đọc sao kê thẻ tín dụng
Để giúp người dùng hiểu rõ các thông tin trong bảng sao kê thẻ tín dụng là gì, chúng tôi đã tổng hợp chi tiết các mục có trong bảng mà người dùng cần quan tâm.
Ngày lập bảng sao kê
Ngày lập bảng sao kê thường được ngân hàng cố định vào một ngày trong tháng. Tuỳ theo chu kỳ thanh toán của loại thẻ tín dụng bạn đăng ký mà ngày lập bảng sẽ khác nhau. Phổ biến nhất là ngày 30 cuối tháng, kết thúc của một chu kỳ thanh toán. Ngày lập bảng cho bạn biết những giao dịch nào sẽ được ghi chép trong bảng sao kê đó, những giao dịch được thực hiện sau ngày lập bảng sẽ không được ghi nhận.
Vui lòng thanh toán trước ngày đến hạn
Đây là thông tin quan trọng mà người dùng cần biết trong các mục sao kê thẻ tín dụng là gì bởi thông tin này sẽ cho bạn biết ngày đến hạn thanh toán giao dịch. Nếu người dùng không thực hiện thanh toán các dư nợ còn sót trong chu kỳ thanh toán vừa qua trước ngày đến hạn thì người dùng sẽ phải chịu thêm một mức phạt và lãi suất vay đối với các khoản chi tiêu đó. Ngày đến hạn thanh toán thường sau 15 ngày so với ngày lập bảng sao kê.

Dư nợ tháng trước, dư nợ cuối kỳ
Dư nợ tháng trước sẽ cho người dùng biết số tiền chưa được thanh toán trong chu kỳ thanh toán gần nhất. Trong khi, dư nợ cuối kỳ cho biết tổng số tiền người dùng cần thanh toán từ tất cả những chu kỳ trước đó cộng lại. Nếu bên cạnh thông tin dư nợ cuối kỳ của người dùng có chữ CR thì tức là người dùng vẫn còn số dư trong tài khoản và sẽ không cần phải thanh toán thêm bất cứ khoản tiền nào.
Thanh toán tối thiểu
Khoản thanh toán tối thiểu thẻ tín dụng là số tiền ít nhất mà chủ thẻ phải trả cho mỗi một chu kỳ thanh toán, tính trên dư nợ cuối kỳ. Ngân hàng sẽ không bắt bạn phải thanh toán toàn bộ dư nợ hiện có trong thẻ tín dụng cũng như trong lần sao kê nhưng người dùng sẽ phải trả tối thiểu một khoản theo quy định. Nếu không thanh toán khoản tiền tối thiểu trên, người dùng sẽ phải chịu nhiều lãi hơn và không được hưởng mức lãi ưu đãi cho chu kỳ thanh toán tiếp theo.
Ngoài ra, nếu bạn chậm trễ trong việc thanh toán mức tối thiểu 10 ngày, ngân hàng sẽ báo cáo tình trạng của bạn lên CIC (Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia) và độ uy tín của bạn sẽ giảm đáng kể. Chính vì thế, ngân hàng khuyến khích bạn nên thanh toán nhiều hơn mức tối thiểu đặt ra để giảm bớt gánh nặng thanh toán cho các chu kỳ sau.
Thanh toán tối thiểu thường được tính bằng 5% giá trị so với tổng dư nợ cần thanh toán của bạn. Bên cạnh đó, nếu bạn đang có khoản cần trả góp hàng tháng thì khoản này sẽ được cộng vào số tiền thanh toán tối thiểu.

Ngày giao dịch, ngày hệ thống
Ngày giao dịch ghi lại chi tiết ngày mà giao dịch và các khoản chi tiêu của bạn được thực hiện. Ngày hệ thống là ngày mà giao dịch của bạn được ghi nhận trong hệ thống tín dụng của ngân hàng. Chính vì thế, ngày hệ thống không phải lúc nào cũng trùng với ngày giao dịch mà có thể chậm trễ hơn 1 ngày.
Chi tiết giao dịch
Chi tiết giao dịch trong sao kê thẻ tín dụng là gì? Đó là các nội dung giao dịch, hình thức giao dịch như các khoản thanh toán, mua hàng hay ứng tiền, rút tiền,…
Số tiền
Số tiền bạn đã chi tiêu sẽ được ghi nhận chính xác trong mục này. Ngoài việc thống kê các khoản tiền ra, người dùng có thể biết được các khoản tiền vào hay tiền được hoàn lại qua ký hiệu CR ở bên cạnh.
Chương trình điểm thưởng
Thẻ tín dụng thường kèm theo rất nhiều chương trình tích điểm thưởng khi người dùng sử dụng thẻ để thanh toán, chi tiêu cho những mặt hàng, tại những địa điểm nhất định. Đây là chính sách được ngân hàng xây dựng và hợp tác với nhiều đối tác để kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của khách hàng.
Trong bảng sao kê, người dùng sẽ biết được số điểm thưởng của mình hiện tại là bao nhiêu. Với số điểm này, người dùng có thể đổi sang nhiều phần quà, ưu đãi hấp dẫn khác.

Bài viết hôm nay đã cung cấp đầy đủ các thông tin để bạn đọc hiểu được sao kê thẻ tín dụng là gì cũng như cách đọc các thông tin trong bảng sao kê thẻ tín dụng. Mong rằng các thông tin trên đã giúp ích đối với người dùng.